GIỮ CHO TRẺ NHỮNG ĐÔI MẮT SÁNG

Mỗi ngày có khoảng 50 trẻ được khám, điều trị tại khoa Mắt trẻ em - Bệnh viện Mắt tỉnh, trong số này, có 3-5 ca cần phẫu thuật mà không phải chuyển điều trị ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Những trẻ có những khiếm khuyết về mắt được can thiệp sớm và kịp thời giúp các em phục hồi thị lực.

050819 Giu cho tre doi mat sang

Anh Nguyễn Anh Tuấn (Ân Phong, Hoài Ân) vui mừng sau ca phẫu thuật bệnh lác mắt của con trai.

 

Biết con gái Nguyễn Trâm Anh (6 tuổi) mắc bệnh lác mắt (còn gọi là lé) từ mấy năm trước, nhưng chị Nguyễn Thị Hồng Hưởng (xã Hoài Xuân, huyện Hoài Nhơn) bảo gia đình không có điều kiện để vào TP Hồ Chí Minh điều trị. Năm 2019, bé Trâm Anh bước vào lớp 1, cũng là lúc gia đình chị lo sốt vó. Cuối tháng 7 vừa qua, bé đã được gia đình đưa vào Bệnh viện Mắt tỉnh điều trị, phẫu thuật lác cho cả hai mắt. “Phần lo cho con khó khăn trong chuyện học, phần cũng sợ con bị bạn bè trêu chọc, nhưng khó quá nên cũng lần lữa. Bây giờ, bé được phẫu thuật ngay tại Quy Nhơn, chỉ 3 ngày là xuất viện, không tốn kém”, chị Hưởng chia sẻ.

Cũng đưa con nhập viện phẫu thuật bệnh lác mắt, hôm nhận được giấy xuất viện, anh Nguyễn Anh Tuấn (xã Ân Phong, huyện Hoài Ân) mừng rơi nước mắt. Vốn sinh ra bụ bẫm, dễ thương, nhưng qua một đận sốt cao co giật nặng, cậu con trai Nguyễn Thanh Đạt (6 tuổi) của anh mắc chứng động kinh. Thêm thời gian ngắn, hai mắt của bé cũng có vấn đề. Anh Tuấn cho biết: “Hai vợ chồng gác hết việc, mấy năm nay bồng bế con đi Quy Nhơn, rồi vào TP Hồ Chí Minh để chữa bệnh động kinh. Riết rồi, gia đình tôi từ hộ bình thường thành hộ nghèo. Con được phẫu thuật mắt mà không tốn kém chi phí gì ngay tại Bệnh viện Mắt tỉnh, vợ chồng tôi mừng lắm!”.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Phượng, khoa Mắt trẻ em - Bệnh viện Mắt tỉnh, mắt trẻ em không phải là mắt người lớn thu nhỏ. Những bệnh như lác, sụp mi, đục thủy tinh thể bẩm sinh ở trẻ… đều là những bệnh lý về mắt cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời nếu không sẽ dẫn tới tình trạng nhược thị - tức giảm thị lực của một hoặc hai mắt, thậm chí dần mất thị lực vĩnh viễn. “Nhiều trường hợp phát hiện quá muộn, phẫu thuật chỉ có thể giúp trẻ cân bằng hai mắt, nhưng thị lực không được hồi phục. Bởi thế, cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời...”, bác sĩ Phượng nhấn mạnh.

050819 Giu cho tre doi mat sang2

Các bác sĩ khoa Mắt trẻ em (Bệnh viện Mắt tỉnh) phẫu thuật cho bệnh nhi bị bệnh lác mắt.

Khoa Mắt trẻ em của Bệnh viện Mắt tỉnh chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10.2018, với hỗ trợ toàn diện của tổ chức Orbis Việt Nam về trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực. Đến nay, khoa đã trở thành một trong 5 địa chỉ của cả nước chuyên sâu về điều trị mắt ở trẻ em, với 3 bác sĩ, 3 điều dưỡng và 1 kỹ thuật viên được đào tạo bài bản. Để hỗ trợ phẫu thuật, bệnh viện còn đào tạo cả bác sĩ gây mê.

Bác sĩ Nguyễn Thành Tân, Phó phụ trách khoa Mắt trẻ em, cho biết, đến thời điểm này, các bệnh lý như lác/lé, sụp mi, đục thủy tinh thể bẩm sinh, quặm, tắc lệ đạo bẩm sinh, hẹp khe mi, các loại u, chấn thương ở mắt trẻ… đều được phẫu thuật, xử lý triệt để. Đặc biệt, khoa Mắt trẻ em đã phối hợp khoa Nhi sơ sinh - BVĐK tỉnh hình thành đơn nguyên điều trị bệnh võng mạc trẻ sinh non (ROP). Nếu trước đây, việc điều trị các bệnh về mắt ở trẻ em đều phải chuyển vào TP Hồ Chí Minh, hoc ra HàNi thìnaykhoa đã điều trị, phẫu thuật được hầu hết, chỉ trừ một số bệnh chuyên sâu quá khó về võng mạc.

Tác giả bài viết: Mai Hoàng

Nguồn tin: Báo Bình Định Online