Hướng tới chăm sóc mắt toàn diện cho trẻ

Dự án “Phát triển dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em tại Bình Định” đã chính thức được khởi động với lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Bệnh viện Mắt tỉnh, BVĐK tỉnh và Tổ chức Orbis Quốc tế vào ngày 5.12. Đây là một dự án lớn, mang ý nghĩa quan trọng xét về phạm vi đối tượng hưởng lợi và sự phát triển của ngành Y tế tỉnh nhà.

Dự án “Phát triển dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em tại Bình Định” được thực hiện từ tháng 12.2014 đến tháng 12.2018; với tổng kinh phí hơn 1,2 triệu USD, trong đó Tổ chức Orbis Quốc tế tài trợ hơn 1 triệu USD, phần còn lại là vốn đối ứng của tỉnh.

Giảm gánh nặng từ bệnh võng mạc trẻ sinh non

Theo bác sĩ Phạm Thiện Ngôn, Trưởng khoa Nhi sơ sinh (BVĐK tỉnh), trước đây bệnh võng mạc ở trẻ sinh non ít được lưu tâm, bởi đơn giản là trẻ sinh non ít có cơ hội được cứu sống. Từ năm 2008, khoa Nhi sơ sinh bắt đầu đi vào hoạt động, mở ra hy vọng cho nhiều trẻ thiếu tháng nhẹ cân. Cũng từ đó, các bác sĩ mang bên mình nỗi đau đáu mang tên “bệnh võng mạc ở trẻ sinh non”.

Đại diện Bệnh viện Mắt tỉnh, BVĐK tỉnh và tổ chức Orbis Quốc tế bày tỏ quyết tâm thực hiện thành công Dự án “Phát triển dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em tại Bình Định”.

Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non gây tổn thương võng mạc mắt ở vùng phía trước, do trẻ sinh non, nhẹ cân và đôi khi cần phải sử dụng oxy để hỗ trợ hô hấp trong một số kỹ thuật hồi sức sơ sinh. Nguy cơ xảy ra bệnh thường ở những trẻ sinh non dưới 32 tuần tuổi, cân nặng dưới 2kg, với tỉ lệ mắc bệnh ước tính khoảng 20%. Trẻ càng thiếu tháng thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. “Hơn 90% trường hợp mắc bệnh sẽ được chữa khỏi nếu phát hiện kịp thời. Ngược lại, trên 95% số ca bệnh sẽ bị mù vĩnh viễn hoặc mắc tật khúc xạ nặng. Vì thế, khâu phát hiện rất quan trọng”, bác sĩ Ngôn khẳng định.

Thời điểm phát hiện bệnh võng mạc ở trẻ sinh non là khoảng 2 tuần sau sinh. Hiện nay, tỉnh ta vẫn chưa có điều kiện máy móc và con người để tầm soát bệnh. Theo thống kê của khoa Nhi sơ sinh, mỗi năm có khoảng 120 trường hợp phải chuyển vào TP Hồ Chí Minh để khám phát hiện. “Chi phí đi lại, khám và điều trị không hề nhỏ; không phải gia đình nào cũng đáp ứng được. Đó là chưa kể việc di chuyển trên quãng đường dài tiềm ẩn nhiều rủi ro với trẻ sinh non vốn có sức khỏe không tốt, nhất là đối với các trẻ đến thời điểm phải được khám mắt nhưng tình trạng chưa ổn định và cần được hỗ trợ bằng các phương tiện máy móc phức tạp”, bác sĩ Ngôn bày tỏ.

Khó khăn này sẽ được giải quyết khi Dự án “Phát triển dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em tại Bình Định” đặt ra mục tiêu xây dựng năng lực cho BVĐK tỉnh để tầm soát và điều trị bệnh võng mạc trẻ sinh non. Cụ thể, trong 2 năm đầu tiên của Dự án, Bệnh viện Mắt tỉnh sẽ hỗ trợ việc khám sàng lọc và điều trị bệnh võng mạc trẻ sinh non tại BVĐK tỉnh. Ngược lại, BVĐK tỉnh sẽ hỗ trợ công tác gây mê cho Bệnh viện Mắt và chủ động đào tạo nguồn nhân lực; đảm bảo sau 4 năm thực hiện Dự án, các bệnh viện đủ năng lực để hoạt động độc lập. Bên cạnh đó, Dự án còn tranh thủ sự ủng hộ của Bệnh viện Mắt Trung ương về việc hướng dẫn khuyến cáo xây dựng hệ thống chuyển tuyến cho những bệnh nhân mắt trẻ em giữa Bệnh viện Mắt Bình Định và các tỉnh trong khu vực.

Nhân rộng hy vọng

Orbis đã hoạt động tại Việt Nam từ nhiều năm, là một tổ chức đi đầu về thiết lập các dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Mô hình dự án phát triển dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em đã được tổ chức này thực hiện thành công tại Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh và Bệnh viện Mắt Huế.

Bên cạnh xây dựng năng lực tầm soát và điều trị bệnh võng mạc trẻ sinh non, Dự án còn đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể. Đầu tiên, sẽ thành lập và đưa vào hoạt động “Trung tâm chăm sóc mắt thân thiện với trẻ em” tại Bệnh viện Mắt tỉnh, với đầy đủ các trang thiết bị phù hợp cho việc khám và điều trị các bệnh mắt trẻ em, cùng đội ngũ cán bộ y tế được đào tạo bài bản có thể cung cấp các dịch vụ chăm sóc mắt toàn diện với chất lượng cao. Đồng thời, thiết lập mạng lưới chuyển tuyến và các hoạt động ngoại tuyến tại Bình Định và các tỉnh lân cận nhằm tăng cường sự tiếp cận của trẻ em đến các dịch vụ chăm sóc mắt. Về lâu dài, Dự án đặt ra mục tiêu nâng cao kiến thức và thái độ hành vi trong phòng và điều trị các bệnh về mắt ở trẻ em cho nhân dân, cùng sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo trong công tác phòng chống mù lòa và chăm sóc mắt trẻ em.

Theo Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Nguyễn Thanh Triết, Dự án “Phát triển dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em tại Bình Định” được thiết kế nhằm giải quyết sự thiếu hụt về dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em cho hơn 1,5 triệu trẻ em tại Bình Định và các tỉnh lân cận, góp phần giảm tỉ lệ mù lòa và giảm thị lực của trẻ em trong khu vực. Dự án sẽ bao phủ tỉnh Bình Định, Phú Yên và một số huyện liền kề thuộc tỉnh Quảng Ngãi, Gia Lai và Kon Tum.

Với nhiều nỗ lực, Bệnh viện Mắt tỉnh đã phát triển thành một địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy cho người dân trong khu vực, và là một trong những bệnh viện mắt đi đầu cả nước về phẫu thuật thể thủy tinh. “Tuy nhiên, các hoạt động về chăm sóc mắt trẻ em hiện nay tại bệnh viện chỉ thực hiện trong khuôn khổ các chiến dịch nhân đạo và không mang tính hệ thống. Phần lớn trẻ em trong khu vực không được điều trị kịp thời, phải di chuyển đến Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh khi gặp các vấn đề về mắt. Vì thế, Dự án được triển khai đã mở ra cơ hội cho rất nhiều trẻ em không chỉ ở Bình Định”, bác sĩ Triết cho hay.

Tiến sĩ ABU RAIHAN, Giám đốc chương trình của Orbis tại châu Á“Các công đoạn khảo sát, xây dựng, phê duyệt và triển khai Dự án chỉ diễn ra trong 6 tháng. Đó là một kỷ lục tôi chưa từng chứng kiến trong suốt 20 năm qua. Nó chứng tỏ quyết tâm của không chỉ các bác sĩ mà cả lãnh đạo cơ sở y tế và chính quyền địa phương. Điều này củng cố thêm niềm tin của tôi, rằng đây sẽ là một trong những dự án tốt nhất của Orbis”.

Tiến sĩ ABU RAIHAN, Giám đốc chương trình của Orbis tại châu Á

 

Theo Nguyễn Văn Trang

Báo Bình Định Online