Báo động Tật khúc xạ học đường ở Việt Nam: KHÔNG THỂ XEM NHẸ!

Tật khúc xạ học đường tăng cao :

Tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị...) chưa được chỉnh kính là một nguyên nhân quan trọng của sự suy giảm thị lực, mù lòa và tàn tật có thể phòng tránh được, đặc biệt là ở những nước đang phát triển.

Tại Việt Nam, hiện có tới 3 triệu học sinh (độ tuổi 6-15) bị mắc các tật khúc xạ cần được chỉnh kính, trong đó 2/3 là bị cận thị. Tỷ lệ tật khúc xạ ngày càng tăng nhanh, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị. Theo một nghiên cứu đánh giá, tỷ lệ tật khúc xạ Hà Nội khoảng từ 40-45%, ở những quận nội đô có nơi lên đến 55 - 60%.

Tật khúc xạ đã và đang nổi lên trở thành một trong những vấn đề bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, học tập và tương lai của các em học sinh. Thế nhưng hiện nay Việt Nam chưa có một đánh giá điều tra tầm vóc quốc gia về tật khúc xạ.

  PGS.TS Đỗ Như Hơn - Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương

Nhiều quan điểm sai trong cộng đồng:

Theo các chuyên gia nhãn khoa, tật khúc xạ học đường do nhiều nguyên nhân trong đó, vấn đề thiếu ánh sáng hay sai tư thế học tập thời gian dài, dinh dưỡng chưa đáp ứng, bổ sung đầy đủ các vitamin, thời gian học tập căng thẳng và liên tục, không cho mắt nghỉ ngơi, thư giãn, lạm dụng máy tính, chơi game, xem tivi quá nhiều...khiến cho tật khúc xạ ngày càng tăng.

Trong khi đó, ý thức của cộng đồng, của các bậc phụ huynh về tật khúc xạ lại hạn chế, thâm chí có nhiều người hiểu sai. Như bà Võ Thị Quế, thị trấn Cẩm Giàng, Hải Dương có con trai 10 tuổi mắc tật khúc xạ, dù có đơn kính bác sỹ cấp nhưng không cho con trai đeo kính, quan niệm: không nên đeo kính, càng đeo nó sẽ càng tăng...”Tôi nghe nói có ông thầy lang ở Bắc Ninh bấm huyệt chữa được cận thị”.

Theo các bác sỹ Bệnh viện Mắt TW, khi trẻ đã mắc tật khúc xạ, phương pháp duy nhất là đeo, chỉnh kính đúng số và tái khám định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa mắt. Với nhận thức cộng đồng hạn chế, nên nhiều trường hợp khi đến bệnh viện đã biến chứng sang nhược thị sâu, bong võng mạc,...nguy cơ mù lòa vĩnh viễn, không thể chỉnh kính, cấp kính.

Qua kết quả nghiên cứu "Thái độ của phụ huynh học sinh, học sinh và giáo viên về việc sử dụng kính tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh" được thực hiện tại 16 trường học ở Hà Nội và Hồ Chí Minh năm 2011, có tới 80%  tỷ lệ học sinh tiểu học và THCS cảm thấy không thích nếu phải đeo kính; 30% học sinh không thông báo những dấu hiệu tật khúc xạ như: nhức đầu/nhức mắt/mỏi mắt/mờ mắt sau các hoạt động học tập, chơi game, đọc truyện; Cứ 5 phụ huynh học sinh được thông báo, có 1 phụ huynh không làm gì cả....

Một thói quen khác thường gặp, là người dân tự ý dẫn con mình đến các cửa hàng kính thuốc để đo, lắp mắt kính cho con em mình khi họ nghi các em mắc tật khúc xạ. TS Nguyễn Thị Thu Hiền, Bệnh viện Mắt TW, cảnh báo: Nếu không được đo, khám một cách kỹ lưỡng trẻ rất dễ phải đeo kính cận một cách vô lý, hoặc các cửa hàng kính đo sai số, gây ra nhức mỏi mắt, gây rối loạn điều tiết, nhiều trường hợp giảm thị lực đã không thể điều trị được.

Cửa hàng kính thuốc – lạm dụng cấp đơn và lắp sai kính:

Theo chân đoàn công tác của Bộ Y tế, Bệnh viện Mắt TW và tổ chức HKI khảo sát một số cửa hàng kính ở Nam Định, Hà Đông, cho thấy đa phần các cửa hàng kính có đủ chứng chỉ hành nghề theo quy định tuy nhiên khi kiểm tra, đánh giá tay nghề thì kỹ thuật viên mài lắp kính yếu kém, không đạt yêu cầu, thậm chí học theo kiểu ... tự dạy nhau! Trong khi đó, cửa hàng kính mọc tràn lan hiện nay, dù đủ chứng chỉ hành nghề nhưng yếu kém về chuyên môn, kỹ năng mài lắp kính hoặc tự cấp đơn kính... trở nên khá phổ biến. Chưa nói đến công tác quản lý chất lượng và nguồn gốc kính, gọng đang bị thả nổi!

Theo các kết quả khảo sát, đánh giá của Tổ chức HKI Việt Nam tại tỉnh Kon Tum năm 2011, có tới 50% số lượng kính đã cắt không đạt tiêu chuẩn, (như sai khoảng cách đồng tử 36%;  lệch tâm 64 %; sai công suất so với đơn kính 12%; số kính quá rộng so với khuôn mặt 2%...).

Thành công từ một mô hình “chăm sóc mắt học đường” ở Kon Tum:

Từ những kết quả khảo sát đơn lẻ tại một số tỉnh, thành phố về lĩnh vực khúc xạ, nắm bắt những khó khăn, hạn chế ở cộng đồng và những tồn đọng nội tại trên, năm 2013, Tổ chức HKI Việt Nam đã nhanh chóng triển khai dự án thí điểm hỗ trợ tỉnh Kon Tum mô hình chăm sóc mắt học đường, lồng ghép nâng cao năng lực các cửa hàng kính tư nhân. Cũng từ mô hình này, HKI đã và đang triển khai nhân rộng ở Nam Định, Hà Nội....

  Khám tật khúc xạ cho học sinh

Dự án đã triển khai khám mắt, cấp kính miễn phí cho gần 40.000 học sinh ở 35 trường tiểu học và THCS. Thông qua các hoạt động khám sàng lọc cho học sinh, chương trình phát hiện nhiều trường hợp mắc các tật khúc xạ chưa được chỉnh kính. Đồng thời trên 7000 học sinh đã được cấp kính miễn phí...Triển khai nhều hoạt động truyền thông: phát 13.000 tờ rơi, poster cho các trường học lồng ghép kiến thứcvề tật khúc xạ cho học sinh, mở các khóa tập huấn cho giáo viên, các buổi sinh hoạt chào cờ, sinh hoạt đội, các buổi học ngoại khóa... Ngoài ra, HKI phối hợp với Bệnh viện Mắt TWhỗ trợ trang thiết bị nhãn khoa cơ bản, và đào tạo cho 9 khúc xạ viên tại 9 huyện, thành phố tỉnh Kon Tum; tiến hành đào tạo, nâng caokỹ năng mài lắp kính tại13 cửa hàng kính tư nhân....

  Chỉnh kính

 Niềm vui có kính

Tại Hội nghị tổng kết dự án vừa qua Nguyễn Thị Ven, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum, khẳng định: trong 2 năm qua chương trình chăm sóc mắt học đường tỉnh Kon Tum đã giúp em học sinh có cơ hội khám mắt, chỉnh kính, các cán bộ nhãn khoa, các cửa hàng kính có điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn, đầu tư trang thiết bị...

PGS.TS Đỗ Như Hơn – Phó trưởng Ban Chỉ đạo PCML Quốc gia Bộ Y tế, GĐ Bệnh viện Mắt TW nhận định: Mô hình chăm sóc mắt học đường ở Kon Tum đã thành công, tác động toàn diện tới công tác phòng chống mù lòa, nâng cao nhận thức cộng đồng chăm sóc mắt, cũng như nâng cao năng lực cho các cơ sở nhãn khoa và các cửa hàng kính. Hy vọng mô hình này sẽ được phát triển rộng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, góp phần đáng kể giảm tỷ lệ tật khúc xạ học đường.

Xuân Hồng

Theo website VNIO

Box:

Khi phát hiện các em có dấu hiệu bị tật khúc xạ trong học tập và sinh hoạt hàng ngày, như nheo mắt, nghiêng đầu trong lớp, nhìn chữ và vật bị nhòe, mỏi mắt chóng mặt đau đầu, hay chép nhầm bài, đọc nhầm chữ....đưa các em khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt, tái khám mắt định kỳ 6 tháng/lần;

Khi mắc các tật khúc xạ cần khám, đeo kính đúng số và có chế độ nghỉ ngơi, thư giãn, tăng cường các hoạt động ngoài trời, ngồi học đúng tư thế và đủ ánh sáng, bổ sung các vitamin A,C,E hàng ngày...