Không làm việc với cường độ cao, tôi không chịu được

Bác sĩ Nguyễn Thanh Triết (trái) trong một ca phẩu thuật mắt

28 tuổi, anh nổi danh trong giới chuyên khoa mắt, 30 tuổi làm giám đốc Trung tâm Mắt Bình Định, sau 5 năm Trung tâm của anh đã là 1 trong 5 trung tâm nhãn khoa hàng đầu của cả nước. Anh là một trong số ít người được hưởng từ quỹ tài năng của tỉnh mỗi tháng 2 triệu đồng.

Nhưng cái đáng quý hơn là cụm từ "bác sĩ Triết" đã trở thành mỹ danh sống mãi trong lòng hàng nghìn người mù nghèo ở tỉnh Bình Định.

Cách đây 8 năm, Trạm Mắt tỉnh Bình Định tọa lạc trên một diện tích đất chưa đầy trăm mét vuông trên đường Trần Hưng Đạo TP Quy Nhơn. Cả Trạm Mắt lúc ấy chỉ có 2 bác sĩ và 6 cán bộ. Bây giờ Trung tâm Mắt tỉnh đã có một cơ sở đồ sộ với đội ngũ 35 cán bộ, trong đó có 8 bác sĩ, 6 trong số này đã qua đào tạo chuyên khoa cấp 1. Năng lực của Trung tâm đủ để triển khai một bệnh viện 50 giường nội trú.

- Trước khi về làm giám đốc Trung tâm Mắt, anh từng là bác sĩ điều trị ở Bệnh viện đa khoa TP Quy Nhơn, phải chăng vì thế mà anh đã áp đặt nhanh công việc điều trị lên một đơn vị mà trước đó chỉ làm y tế cộng đồng?

+ Tôi đưa công tác điều trị trở thành hoạt động chính của Trạm Mắt (sau này là Trung tâm) không phải vì muốn áp đặt theo chuyên môn của mình mà là do yêu cầu tất yếu của phát triển. Năm 1996, tôi về làm Trưởng trạm Mắt trong điều kiện Trạm hết sức thiếu thốn. 8 cán bộ chủ yếu làm công tác phòng chống mù lòa cho cộng đồng, tập trung vào các chương trình: Phòng chống bệnh khô mắt do thiếu Vitamin A; Mắt hột trong học đường; Mổ đục thủy tinh thể. Sau một thời gian tìm hiểu công việc, tôi nghiệm ra rằng con đường mà Trạm Mắt đang đi không hiệu quả. Cán bộ phải đi nhiều nên trình độ chuyên môn, trình độ kỹ thuật không có cơ hội phát triển. Vả lại làm việc ở cộng đồng chỉ mang tính thời vụ vì không thể làm được trong ngày mùa và khi mưa lũ. Cán bộ của Trạm đi về các địa phương khám, chốt danh sách những người cần mổ đục thủy tinh thể và hẹn ngày đến các Trung tâm y tế ở huyện để mổ nhưng đến ngày hẹn chỉ thấy lác đác vài ba người, thậm chí có đợt không có ai đến. Nguyên nhân là do những người mù hầu hết là người nghèo, họ không đến vì không có tiền. Thực trạng đó khiến tôi phải tổ chức lại hoạt động của Trạm Mắt và 3 tháng sau, tôi đã hình thành đề án thành lập Trung tâm Mắt. Theo đó, Trung tâm sẽ đào tạo một mạng lưới y tế đủ mạnh để khám phát hiện ban đầu và thực hiện các chương trình ở cộng đồng, cán bộ của Trung tâm chỉ làm công việc giám sát và tập trung vào công tác điều trị.

- Ý tưởng đó của anh có vướng phải sự cản trở nào không?

+ Có đấy! Một số người sợ rằng Trung tâm Mắt sẽ sa đà vào công tác điều trị mà bỏ quên các chương trình y tế cộng đồng. Nhưng tôi xác định là Trung tâm sẽ đi đều trên hai chân. Thực ra các chương trình y tế cộng đồng cũng chỉ tồn tại ở các nước đang phát triển và chúng tôi đã thành công. Trung tâm được thành lập ngày 17-2-1997 thì cuối năm 1998, Bình Định đã thanh toán dứt điểm bệnh mắt hột trong toàn dân và bệnh khô mắt do thiếu Vitamin A đồng thời đã có được 70% số xã có mạng lưới chăm sóc mắt ban đầu (đến năm 2000 thì mạng lưới này đã phủ đủ 100%).

- Vậy là Trung tâm chỉ còn tập trung vào hoạt động điều trị?

+ Đồng thời với việc thành lập, Trung tâm đã được chuyển về hoạt động ở một cơ sở mới trên đường Lê Hồng Phong. Chúng tôi thiết lập ở đây 10 giường bệnh và tiến hành khám điều trị các bệnh về mắt đồng thời mổ đục thủy tinh thể thường xuyên. Uy tín của Trung tâm ngày một nâng lên. Bệnh nhân của nhiều tỉnh trong khu vực đã tìm đến đây và "chiếc áo" trên đường Lê Hồng Phong chả mấy chốc đã trở nên quá chật. Năm 2000 chúng tôi lại phải trình đề án xin mở rộng Trung tâm đến năm 2002 được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, chúng tôi chuyển về cơ sở mới này.

- Nhưng không phải người mù do đục thủy tinh thể nào cũng có điều kiện để đến Trung tâm?

+ Ngay trước khi thành lập Trung tâm, tôi đã nghĩ cách để giúp những người nghèo mù được mổ mắt. Đó là việc vận động từ thiện. Và đến giờ phút này chúng tôi đã thực hiện được hơn 5000 ca mổ miễn phí cho người nghèo mù.

- Xin lỗi, công việc quản lý Trung tâm và chuyên môn đã đủ cho bác sĩ bù đầu rồi, lấy thời gian đâu mà đi vận động từ thiện?

+ Thực ra tôi chỉ là người nghe ngóng, mách mối và làm tham mưu cho lãnh đạo tỉnh giao dịch để xin kinh phí. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh lại rất nhiệt tình với công việc này. Hiện đã và đang có rất nhiều tổ chức phi chính phủ, các nhà hảo tâm giúp đỡ để Trung tâm mổ mắt miễn phí cho người nghèo. Đáng kể là các tổ chức: Fred Hollow Foundation (Úc), Hellen Keller International (Mỹ), CBM (Đức), Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP. HồChí Minh; Ban trị sự giáo hội Phật giáo Bình Định… Ngoài ra bản thân tôi cũng là một trong những người sáng lập ra Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo bị mù của tỉnh đang hoạt động khá hiệu quả.

- Nghe nói hễ thấy người nghèo bị mù do đục thủy tinh thể ở đâu bác sĩ cũng động viên đưa họ về Trung tâm để mổ miễn phí, có bao nhiêu người đã được bác sĩ giúp đỡ như vậy?

+ Tính tôi hay thương người, nhất là người nghèo khổ. Ngồi uống cà phê hay đi đường hễ thấy người ăn xin hay bán vé số có hiện tượng đục thủy tinh thể là tôi lại gọi họ đến khám và hẹn đến Trung tâm để mổ giúp cho họ. Trong số 5000 ca mổ miễn phí, số người mà tôi gặp tình cờ cũng gần cả trăm.

- Xin lỗi, bác sĩ có phải xuất thân từ một gia đình nghèo?

+ Nói gia đình quá nghèo thì không hẳn nhưng tuổi thơ tôi rất cơ cực. Cha mẹ tôi ở Hoài Ân, hồi nhỏ tôi học ở Quy Nhơn, tháng tháng người vẫn gửi gạo vào để nuôi tôi. Còn bản thân tôi từng đi củi, đi bán sách ở Quy Nhơn và mùa hè lại về quê nhổ mì, chở mì đi bán… Tôi thích tự lập.

Và có lẽ chính cái sở thích "tự lập" có từ máu thịt ấy đã giúp bác sĩ Nguyễn Thanh Triết tìm ra một mô hình mới, một hướng đi mới giúp ngành Mắt Bình Định vươn lên. Từ nhiệm vụ giải quyết những bệnh nhiễm khuẩn về mắt, căn bệnh cố hữu của những nước nghèo, hiện nay Trung tâm Mắt đã đáp ứng được những bệnh mắt thích ứng với xã hội phát triển trong thời kỳ mới như bệnh mắt do đái đường, bệnh khúc xạ mắt, glaucome… Các dịch vụ kỹ thuật cao của Trung tâm như: Mổ đục thủy tinh thể theo phương pháp Pharco; mổ laser Yag điều trị glaucome, đục bao sau; mổ thông ống lệ mũi bằng silicol; kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh… cũng đã giúp cho người có bệnh về mắt yên lòng khi đến chữa trị tại Trung tâm.

- 8 năm làm giám đốc, điều gì làm được khiến anh hài lòng nhất?

+ Vươn lên đỉnh cao của kỹ thuật nhãn khoa là điều tôi luôn mơ ước, còn một điều rất quan trọng khác là Trung tâm chúng tôi đã thực hiện khá tốt chủ trương xã hội hóa ngành y tế, giảm đáng kể gánh nặng bao cấp của Nhà nước. Hiện nay mỗi năm chúng tôi đã mổ được 2.500 bệnh nhân mù do đục thủy tinh thể, một con số cao gấp 5-6 lần những năm trước. Hoạt động xã hội hóa hàng năm thu được lên đến 2,5 tỉ đồng. Ngoài ra, công tác vận động từ thiện cũng đã giúp mỗi năm trung bình khoảng 500 triệu đồng để chi phí cho những người mù nghèo đến mổ mắt.

- Còn việc phát triển Trung tâm thành Bệnh viện chuyên khoa Mắt?

+ Theo biểu điểm của Bộ Y tế, Trung tâm đã bảo đảm được 90% yêu cầu của một bệnh viện chuyên khoa; 10% còn lại chỉ là việc sắp xếp lại tổ chức. Đề án chuyển Trung tâm thành Bệnh viện, chúng tôi sẽ hoàn thành vào cuối năm nay để đầu sang năm có thể triển khai được. Theo đề án, chúng tôi sẽ đầu tư khoảng 5 tỉ đồng nữa trong đó sẽ tự lực 2 tỉ, xin vay 2 tỉ để mua sắm trang thiết bị còn xin ngân sách hỗ trợ 1 tỉ để nâng cấp cơ sở hạ tầng.

- Vừa làm công tác quản lý lại vừa phải trực tiếp cầm dao, chắc là bác sĩ chẳng còn có thời gian nào cho riêng mình?

+ Trung tâm đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, tuy nhiên tôi đã quen làm việc với cường độ cao nên nếu phải ngồi không là không chịu nổi. Dù vậy, tôi là người rất mê bóng đá, biết đá bóng, mê cờ tướng và có thể tham gia phong trào bóng chuyền, bóng bàn, cờ tướng... cùng với anh em. Chỉ có việc nhà là tôi quá kém, may sao nhờ cô vợ rất đảm đang.

Quang Khanh - Báo Bình Định

http://www.baobinhdinh.com.vn/767/2004/5/11194/