Vì những đôi mắt sáng

Ðến 15 giờ ngày 4.12, thành viên cuối cùng trong số 562 học sinh khối 6, 7 của Trường THCS Ngô Mây (thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) mới hoàn thành xong phần khám sàng lọc mắt. Không chỉ được phát hiện sớm các dị tật về mắt, các em còn được hướng dẫn cách chăm sóc mắt trong hoạt động do Prudential Việt Nam, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, Bệnh viện Mắt tỉnh phối hợp tổ chức.

Các em học sinh được kiểm tra thị lực.
Các em học sinh được kiểm tra thị lực.

Cách đây 2 năm, cậu học sinh Diệp Lương Đồng (lớp 6A6) đã bắt đầu đeo kính cận. Sau vài lần thay kính, đến nay em đã mang kính 1,5 độ. Thế nhưng, kết quả kiểm tra sáng 4.12 cho thấy, thị lực mắt phải lúc mang kính của em cũng chỉ đạt 8/10, mắt trái còn thấp hơn - 7/10. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lai, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Mắt tỉnh), bảo Đồng phải về nói bố mẹ dẫn đi đo lại mắt để thay kính ngay, kẻo ảnh hưởng đến sức nhìn.

“Hồi nhỏ em ghiền xem tivi lắm, sau này còn chơi game trên máy tính và điện thoại di động. Dạo này mắt bị cận nên bị la miết, nhưng mỗi ngày em cũng chơi 1-2 tiếng”, Đồng thật thà cho biết. Tình trạng các em bị cận, đã đeo kính nhưng thị lực vẫn rất yếu như Diệp Lương Đồng là khá phổ biến. Như em Châu Ánh Mỹ Linh (lớp 7A2), dù đeo kính cận nhưng thị lực mắt trái chỉ còn 4/10. Cùng lớp với Đồng có em Trần Gia Huy, thị lực mắt phải chỉ 7/10, mắt trái 6/10. Huy kể, em ngồi học bàn thứ 3 từ trên xuống thì còn nhìn thấy chữ trên bảng, xuống thêm bàn nữa thì chịu. Thế nhưng, Huy chưa từng được đo mắt để đeo kính cận.

Theo bác sĩ Lai, tỉ lệ cận thị ở học sinh Tiểu học phổ biến ở mức 5-10%, THCS là 20%, lên bậc THPT thì đến 40%. Đáng chú ý là học sinh thành thị thường bị cận thị nhiều hơn khu vực nông thôn, do ảnh hưởng của việc sử dụng các phương tiện giải trí hiện đại. Cùng quan điểm, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây Nguyễn Bá Chiến cũng cho rằng, bên cạnh việc học tập, chính thói quen sử dụng các thiết bị điện tử đã làm gia tăng các bệnh về mắt. “Khám sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị các dị tật về mắt là rất quan trọng. Song, để bảo vệ đôi mắt của mình, các em cần phải có chế độ sinh hoạt hợp lý, hạn chế xem tivi, chơi game”, thầy Chiến dặn dò.

Kết quả sàng lọc cho thấy, có 108 em bị tật khúc xạ, 6 em bị lác, 4 em bị sụp mi. Không chỉ được khám sàng lọc, các em còn được phát Vitamine A, Vitamine D, nước muối sinh lý… để chăm sóc mắt. Mỗi bịch thuốc đều có hướng dẫn sử dụng in sẵn, tiện cho việc sử dụng. Toàn bộ chi phí tổ chức hoạt động này là 26,3 triệu đồng, do Prudential Việt Nam tài trợ thông qua chương trình “Vì ánh mắt trẻ thơ” năm 2015. Chương trình này có tổng kinh phí 450 triệu đồng, do Prudential Việt Nam phối hợp cùng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức thực hiện. Trong khuôn khổ của chương trình, 3.200 trẻ tại thành phố Đà Nẵng, và các tỉnh: Khánh Hòa, Bình Định, Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu, Yên Bái và Bắc Giang được khám, cấp thuốc và tuyên truyền cách bảo vệ mắt.

Song song với việc khám mắt, trong năm 2015, Prudential cũng tài trợ phẫu thuật mắt miễn phí cho 320 trẻ bị khuyết tật mắt (lác, lé, đục thủy tinh thể...). Tại Bình Định, đã có 10 em được phẫu thuật tại Bệnh viện Mắt tỉnh. 3 năm trở lại đây, 100% ca mổ trong khuôn khổ của chương trình được thực hiện thành công, giúp hơn 600 em bé phục hồi thị lực, cải thiện chất lượng sống.

“Prudential đã có 15 năm liên tục phối hợp cùng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ trẻ em. Tất cả các chương trình do Prudential tài trợ như cấp học bổng, xây dựng công trình phúc lợi dành cho trẻ em vùng cao, giúp đỡ trẻ dị tật và trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đều được thực hiện hiệu quả và nhận được đánh giá cao từ cộng đồng”, Trưởng đại diện Prudential Việt Nam tại Bình Định Hoàng Minh Nghĩa chia sẻ.

NGUYỄN VĂN TRANG

Báo Bình Định Online