Glôcôm - kẻ cướp ánh sáng thầm lặng

Glôcôm là nguyên nhân thứ 2 (sau bệnh đục thủy tinh thể) gây mù lòa ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, hiểu biết về căn bệnh nguy hiểm này trong cộng đồng vẫn còn rất hạn chế.

Theo Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Nguyễn Thanh Triết, dân gian hay gọi glôcôm là bệnh cườm nước. Đây là nhóm bệnh của thị thần kinh biểu hiện bởi tổn thương gai thị và thị trường. Một trong những yếu tố quan trọng của bệnh glôcôm là tăng nhãn áp. Ước tính sẽ có khoảng 80 triệu người mắc bệnh vào năm 2020, chiếm 2,86% những người trên 40 tuổi trên toàn cầu, trong đó có 11,2 triệu người bị mù do bệnh. Tại Bình Định, theo cuộc điều tra mù lòa năm 2014, tỉ lệ mù 2 mắt do bệnh glôcôm chiếm 5,7% trong tổng số các nguyên nhân gây mù ở người trên 50 tuổi. Đa số bệnh nhân glôcôm đến khám tại Bệnh viện Mắt tỉnh đều ở giai đoạn trầm trọng.

Bệnh glôcôm gây ra bởi đường dẫn lưu thủy dịch từ trong nhãn cầu ra ngoài bị cản trở dẫn đến áp lực trong mắt tăng lên quá mức bình thường. Nhãn áp cao liên tục sẽ làm tổn thương thị thần kinh dẫn đến mất thị trường, và cuối cùng là mù lòa. 

Phát hiện sớm bệnh glôcôm bằng phương tiện hiện đại nhất: máy chụp cắt lớp võng mạc (OCT) tại Bệnh viện Mắt tỉnh.

● Bệnh glôcôm thường được gọi là kẻ cướp thầm lặng ánh sáng của đôi mắt. Do đâu có “biệt danh” này, thưa bác sĩ?

- “Biệt danh” này xuất phát từ các dấu hiệu âm thầm của bệnh glôcôm. Đặc điểm lâm sàng của bệnh rất phức tạp. Triệu chứng có thể thật rầm rộ như đau nhức mắt, nhìn mờ, quầng xanh đỏ, nhức nửa đầu bên mắt đau. Hoặc triệu chứng âm ỉ, đôi khi không có triệu chứng gì cả cho đến khi tình cờ phát hiện mắt mờ thì bệnh đã ở giai đoạn nặng.

Dựa vào kết quả chẩn đoán bệnh mà bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân. Có 3 phương pháp điều trị: bằng thuốc, bằng laser và phẫu thuật. Tùy tình trạng và mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ có những chỉ định dùng phương pháp nào hay phối hợp các phương pháp với nhau. Có một điều đáng lưu ý, glôcôm là bệnh mãn tính cần phải điều trị lâu dài nên bệnh nhân phải hết sức tin tưởng vào quá trình điều trị của bác sĩ.

● Sau khi điều trị bệnh glôcôm, bệnh nhân cần lưu ý chế độ ăn uống, sinh hoạt như thế nào?

- Sau khi điều trị, bệnh nhân vẫn có thể tiếp tục làm công việc trước đây nếu thị lực cho phép, ngoại trừ những việc nặng như khuân vác. Chế độ ăn uống không kiêng cữ; nên ăn đầy đủ chất đạm (thịt, cá), vitamine (rau, quả, trái cây). Có thể dùng một tách cà phê mỗi ngày, nhưng nên kiêng rượu bia, thuốc lá. Tránh vào những nơi khói, bụi bặm. Nên đeo kính bảo vệ mắt khi ra ngoài hay lao động chân tay, giữ gìn mắt sạch sẽ, nên rửa tay trước khi dùng thuốc nhỏ mắt.

Các đối tượng có nguy cơ cao cần khám thường xuyên để phát hiện bệnh glôcôm.  - Trong ảnh: Người cao tuổi khám mắt tại Bệnh viện Mắt tỉnh.

● Xin bác sĩ cho biết đối tượng nào có nguy cơ cao mắc bệnh glôcôm? Cần làm gì để phòng ngừa?

- Tất cả mọi người đều có thể mắc bệnh glôcôm. Tuy nhiên, nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ sau đây thì khả năng mắc bệnh cao hơn: người trên 40 tuổi; bệnh tiểu đường, cao huyết áp; tiền sử gia đình có người thân bị glôcôm; viễn thị, mắt nhỏ; cận thị nặng; dùng corticoid toàn thân, hoặc tại chỗ lâu dài; có tiền căn chấn thương hoặc phẫu thuật mắt.

Bệnh glôcôm không thể chữa khỏi nên một khi đã mất thị lực thì không thể phục hồi. Các biện pháp điều trị chỉ làm bệnh ngưng tiến triển mà thôi. Do đó, việc khám mắt thường xuyên và định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời rất quan trọng. Người trên 40 tuổi nên đi khám bác sĩ nhãn khoa mỗi năm một lần. Đối với người có bệnh tiểu đường, cao huyết áp nên đi khám mỗi 6 tháng. Ở người đã bị bệnh glôcôm cần tuân thủ đúng chế độ điều trị, tùy tình trạng bệnh mà bác sĩ hẹn thời gian tái khám. Đặc biệt, cần phải kiểm soát được tình trạng nhãn áp để bảo vệ các tế bào võng mạc, do vậy việc theo dõi bệnh nhân chặt chẽ và tuân thủ đúng chế độ điều trị sẽ hạn chế tối đa nguy cơ mù lòa do bệnh glôcôm.

● Xin cảm ơn bác sĩ.

BÌNH PHƯƠNG (Thực hiện)

Theo Báo Bình Định Online