Kiến thức nhãn khoa

Hội chứng về mắt do sử dụng máy vi tính (CVS : Computer Vision Syndrom)

I- ĐẠI CƯƠNG :

  • Theo một số nghiên cứu của Mỹ khoảng ba phần tư số người thường xuyên sử dụng máy vi tính gặp các rối loạn chức năng về mắt.
  • Các triệu chứng thường gặp của CVS là: căng thẳng về mắt hay mệt mỏi thị giác, khô mắt, cảm giác rát mắt, chói sáng, nhìn mờ, đau đầu và mỏi vai, mỏi cổ và lưng .

Nguyên nhân của các rối loạn :

  • Giảm lượng nước mắt đến giác mạc hay bị khô mắt
  • Quá nhiều ánh sáng chói hoặc ánh sáng phản xạ từ màn hình,
  • Vị trí đặt màn hình không đúng
  • Hoặc mắt bạn có tật khúc xạ cần đeo kính hoặc thay kính mới.

II- HƯỚNG XỬ TRÍ :

1- Khám mắt :

  • Nên khám mắt trước khi sử dụng máy tính để giúp phát hiện ra tật khúc xạ, hoặc các rối loạn khác ở mắt hoặc liên quan tới mắt. Điều này giúp ta phòng tránh được những ảnh hưởng của CVS gây ra.

2- Sự chiếu sáng thích hợp :

a-  Điều kiện chiếu sáng trong phòng,  sự chói sáng và phản xạ từ màn hình

Anh nắng mặt trời và đèn trong văn phòng đều có thể phản xạ lên màn hình và làm cho mắt ta khó chịu. Bạn nên lưu ý :

  • Sắp đặt vị trí màn hình sao cho cửa sổ ở về một bên .
  • Chỉnh màn cửa sao cho ánh nắng mặt trời không chiếu trực tiếp lên màn hình và mắt của bạn.
  • Tắt bớt đèn trên trần nhà nếu quá sáng còn trong trường hợp ngược lại bạn có thể sử dụng một ngọn đèn bàn có chụp.
  • Nếu sử dụng đèn bàn bạn nên đặt đèn tại vị trí sao cho ánh đèn không phản chiếu lên màn hình.
  • Bạn có thể đặt thêm kính lọc cho màn hình để lọc bớt ánh sáng chói từ màn hình (các màn hình tinh thể lỏng thế hệ mới có thể giúp tránh hiện tượng này).

3- Chất lượng của màn hình

  • Mọi người thường lo lắng về những tia bức xạ độc hại từ màn hình máy tính nhưng thực sự thì lượng bức xạ này thường thấp hơn mức tối đa cho phép.
  • Bạn cũng nên thường xuyên lau bụi cho màn hình vì bụi sẽ làm giảm tương phản (contrast) của màn hình.

a-  Sự chiếu sáng và độ tương phản của màn hình thế nào là phù hợp?

  • Ta cần lưu ý điều chỉnh lượng ánh sáng trong phòng không quá sáng hoặc quá tối,
  • Ta chỉnh độ sáng và độ tương phản của màn hình cho đến khi mắt ta cảm thấy dễ chịu.

b- Cỡ chữ và màu sắc

  • Việc chỉnh cỡ chữ của trang văn bản cũng giúp làm giảm những cố gắng gây mệt mỏi về thị giác. Cỡ cữ lý tưởng là cỡ chữ gấp 3 lần cỡ chữ nhỏ nhất mà ta có thể đọc được muốn  chỉnh được cỡ chữ này ta chỉ cần đứng xa máy tính một khoảng cách gấp 3 lần khoảng cách thông thường sử dụng máy và chỉnh cỡ chữ sao cho nhỏ nhất mà ta vẫn có thể đọc được.
  • Tốt nhất là ta nên chọn chữ đen trên nền trắng  hoặc chữ đậm trên nền sáng cũng có thể chấp nhận. Ta không nên chỉnh cho độ tương phản giữa chữ và nền quá kém hoặc đọc chữ trên một nền quá rối rắm sẽ dễ gây mệt mỏi về thị giác.

c- Chất lượng của màn hình

  • Chất lượng của màn hình cũng ảnh hưởng đến sự thoải mái về thị giác khi sử dụng .
  • Ba yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của màn hình đó là : tốc độ quét, độ phân giải và điểm ảnh. Ta được khuyên nên sử dụng màn hình có tốc độ quét là trên 80 Hz, độ phân giải 800x600 và điểm ảnh dưới 0.28mm.
  • Màn hình tinh thể lỏng thường đáp ứng được những tiêu chuẩn trên.

6- Việc sắp xếp chỗ ngồi làm việc

  • Việc sắp xếp chỗ ngồi làm việc không hợp lý sẽ dẫn tới đau đầu, mỏi cổ, mỏi gáy và mỏi vai.
  • Bạn hãy để màn hình thẳng ngay trước mặt chứ đừng để lệch về một bên
  • Mn hình nên được đặt cách mắt 50 đến 60 cm và tâm của màn hình nên đặt thấp hơn tầm mắt từ 10 đến 20 cm vì mắt của chúng ta chỉ làm việc thoải mái khi chúng ta liếc nhẹ xuống khi đọc sách cũng như khi làm việc gần.
  • Nếu màn hình thấp hơn hoặc cao hơn vị trí này sẽ làm cho ta hay bị mỏi cổ gáy và vai.
  • Nếu phải đánh máy 1 văn bản, việc nhìn lên xuống giữa màn hình và văn bản có thể gây mỏi mắt, ta nên sử dụng 1 kẹp giấy để kẹp văn bản đứng lên và sát vào màn hình.
  • Khi ngồi bạn nên chỉnh ghế sao cho 2 cẳng tay của bạn song song với nền  nhà, 2 đùi vuông góc với cẳng chân và 2 bàn chân của bạn được đặt phẳng trên nền nhà.
  • Ta cũng nên nhớ luôn giữ thẳng lưng và 2 vai giữ ngang bằng
Ảnh minh họa   Ảnh minh họa

7- Khô mắt

a- Biểu hiện khi mắt bị khô

  • Khô mắt, nóng rát trong mắt và chói sáng.

b- Hướng xử trí

  • Khi chúng ta sử dụng máy tính do quá chăm chú ta thường chớp mắt ít hơn thường lệ (chỉ bằmg 2/3 số lần so với bình thường), thêm nữa do màn hình máy tính thường đặt cao hơn tầm mắt làm cho ta phải nhường mắt lên và mở to mắt ra điều này làm cho mắt bị khô.
  • Ta hãy chú tâm hơn đến việc chớp mắt.
  • Nếu mắt quá khô bạn có thể sử dụng thên nuớc mắt nhân tạo (đặc biệt khi bạn sử dụng máy tính mà có đeo kính tiếp xúc thì mắt sẽ dễ bị khô hơn).
  • Bài tập : sau mỗi 20 phút làm việc, chớp mắt 10 lần giống như khi ta chớp mắt chậm lúc buồn ngủ. Việc này giúp làm ầm ướt giác mạc.

 8- Luyện tập thị giác:

  • Để giảm bớt mệt mỏi thị giác do công việc máy tính, mỗi 20 phút ta nên nhìn ra xa. Điều này giúp các cơ điều tiết được thư giãn,bớt mỏi mắt.
  • Bài tập khác : nhìn một vật ở xa 10-15 giây sau đó nhìn một vật ở gần 10-15 giây, lập lại 10 lần. Việc này giúp tránh được tình trạng co điều tiết do nhìn vào màn hình máy tính kéo dài.
  • Cả hai bài tập trên giúp giảm bớt nguy cơ mệt mỏi thị giác do làm việc trên máy tính, lưu ý trong khi tập chúng ta có thề chú ý chớp mắt để giảm tình trạng khô mắt.

9- Nghỉ ngơi ngắt quãng :

  • Để làm giảm tình trạng : mỏi cổ, đau lưng, mỏi vai ta cần nghỉ ngắt quãng thường xuyên.
  • Ta nên nghỉ khoảng 5 phút mỗi lần và nghỉ 4 lần trong thời gian làm việc : đi lại trong phòng, duỗi chân tay, cổ và vai…

10- Kính đeo mắt sử dụng khi làm máy tính

  • Nếu bạn có tật khúc xạ việc đầu tiên là bạn nên đeo kính khi sử dụng máy vi tính vì các tật khúc xạ như viễn thị, loạn thị hay cận thị nếu không được điều chỉnh hoặc điều chỉnh không đúng sẽ dẫn đến nhức mỏi mắt nếu làm việc lâu trên màn hình. Dấu hiệu của tật khúc xạ là bạn nhìn mờ và hay mỏi mắt khi làm việc với máy vi tính. Khi đó bạn nên đi đo mắt, các bác sĩ nhãn khoa và kĩ thuật viên khúc xạ sẽ đo mắt và cho bạn lời khuyên về việc đeo kính thích hợp.
  • Nếu bạn ở tuổi lão thị (trên 40 tuổi) thì bạn càng cần phải dùng kính khi làm việc với máy tính. Nhưng việc chọn kính cho người lão thị sử dụng máy tính hơi phức tạp vì màn hình máy tính ở thị giác trung gian chứ không phải ở thị giác gần hoặc thị giác xa. Trong trường hợp này kính 2 tròng thường không phù hợp vì tròng dưới chỉ phục vụ cho thị giác gần, người đeo phải ngẩng đầu lên cao và sát vào màn hình mới thây chữ do đó dễ gây mỏi cổ.
 Ảnh minh họa

Kính hai tròng có thể không phù hợp khi làm việc với máy tính vì thị giác đòi hỏi là thị giác trung gian

  • Giải pháp là ta có thể sử dụng kính 3 tròng, nhưng kính này hơi hiếm trên thị trường Việt Nam cộng với vùng thị giác trung gian của loại kính này không lớn lắm do đó ta đọc cũng không được thoải mái.
  • Nếu đeo kính công suất tăng dần (kính progressive) loại kính này có ưu điểm là giúp ta nhìn rõ ở mọi khoảng cách.
  • Còn nếu không ta có thể dùng kính đọc sách (loại kính 1 tròng) dùng riêng khi làm việc tên máy tính.
  • Kính đeo mắt dùng cho máy tính được khuyên là nên dùng loại tròng có chống tia phản xạ (tròng chống loé) vì sẽ làm giảm bớt lượng ánh sáng phản xạ từ 2 bề mặt kính đeo gây mệt mỏi thị giác.
  • Bạn cũng không nên đeo loại kính lão có độ làm sẵn vì kính này loại kính này được lắp hàng loạt theo những số đo nhất định nên chưa chắc đã phù hợp với từng người.
  • Kính đeo mắt phù hợp sẽ giúp chúng ta rất nhiều khi sử dụng máy tính. Nó giúp ta tránh khỏi nhức mỏi mắt, đau đầu mỏi gáy, và mỏi cổ…

Th.S Trần Hoài Long