Phát hiện sớm glôcôm để nâng cao hiệu quả điều trị

Tuần lễ Glôcôm Thế giới năm 2016 diễn ra từ 6.3 đến 12.3 có chủ đề “Phát hiện và kiểm soát bệnh glôcôm”, với thông điệp: glôcôm là bệnh gây mù không thể chữa được, vì thế phải được phát hiện sớm, theo dõi và điều trị suốt đời. Thế nhưng, trên thực tế đa phần bệnh nhân đến khám và điều trị đều ở giai đoạn muộn.

Sáng 9.3, cụ bà Đặng Thị Mỏng (81 tuổi, ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn) được thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngọc Lai (Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Mắt tỉnh) kiểm tra lại mắt phải sau ca phẫu thuật điều trị glôcôm vào chiều hôm trước. Bác sĩ Lai cho hay, mắt của bệnh nhân đã đáp ứng điều trị và hồi phục tốt. Bà Mỏng cũng vui mừng chia sẻ: “Mắt phải cứ đau nhức, khó chịu kinh khủng. Nhưng vừa mổ xong là đã hết đau hết nhức ngay”. 

Sáng 9.3, bác sĩ Nguyễn Ngọc Lai kiểm tra lại mắt phải của bệnh nhân Đặng Thị Mỏng sau ca phẫu thuật điều trị glôcôm.
Sáng 9.3, bác sĩ Nguyễn Ngọc Lai kiểm tra lại mắt phải của bệnh nhân Đặng Thị Mỏng sau ca phẫu thuật điều trị glôcôm.

Ngồi bên cạnh, bà Phan Thị Min nhỏ nhẹ kể, hơn con gái đến 23 tuổi, nhưng mắt bà Mỏng tỏ ghê lắm. “Hồi giờ, mỗi lần vá quần áo, tui vẫn phải nhờ má xỏ kim giùm đấy chứ!”, bà Min thật thà nói. Tuy nhiên, cách đây gần một tháng, mắt phải của bà Mỏng đột nhiên yếu rất nhanh, nhìn kém và đau nhức dữ dội. Bà được đưa vào BVĐK khu vực Bồng Sơn, điều trị bệnh mắt 1 tuần, sau đó chuyển sang điều trị chứng ho kéo dài 1 tuần nữa. 3 ngày sau khi xuất viện, tình trạng mắt phải càng nghiêm trọng hơn, mẹ con bà khăn gói vào thẳng Bệnh viện Mắt tỉnh. Được chẩn đoán mắc glôcôm thể nặng, không thể điều trị bằng nội khoa, bà được chỉ định phẫu thuật.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Lai, bệnh nhân Đặng Thị Mỏng là một trường hợp điển hình của việc phát hiện bệnh glôcôm ở giai đoạn rất muộn, gây tổn thương nghiêm trọng và khó khăn cho điều trị. Trong khi glôcôm góc đóng có các triệu chứng rõ rệt thì glôcôm góc mở hầu như không có triệu chứng. Cùng với đó là sự chủ quan, thiếu kiến thức phòng bệnh khiến bệnh nhân chỉ được phát hiện mắc glôcôm ở giai đoạn nặng, thị lực rất thấp, nguy cơ mù lòa cao. Nhiều bệnh nhân đến điều trị nhưng không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc và phác đồ điều trị nên hiệu quả không cao.

“Cũng như bệnh tiểu đường, người mắc glôcôm sẽ phải gắn bó với thầy thuốc suốt đời, nhiều khi mổ xong vẫn phải theo dõi và tiếp tục điều trị nội khoa. Việc phát hiện sớm bệnh glôcôm có ý nghĩa quan trọng trong nâng cao hiệu quả điều trị, nhất là không để bệnh gây thêm tổn thương, dễ dẫn đến mù lòa. Do đó, người có nguy cơ cao cần tuân thủ lịch khám định kỳ”, bác sĩ Lai phân tích.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh glôcôm là bệnh tiểu đường, cao huyết áp; tiền sử gia đình có người thân bị glôcôm (bố mẹ, anh chị em ruột); người bị viễn thị, mắt nhỏ, cận thị nặng; lạm dụng corticoid... Tỉ lệ mắc bệnh ở nữ cao hơn nam giới, độ tuổi mắc bệnh phổ biến là trên 40. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người trẻ tuổi phát hiện mắc glôcôm. Trang bị phương tiện sàng lọc hiện đại, cùng trình độ của cán bộ y tế được nâng cao đã góp phần cải thiện đáng kể năng lực phát hiện glôcôm ở mọi lứa tuổi.

Glôcôm còn gọi là bệnh cườm nước. Đây là nhóm bệnh của thị thần kinh biểu hiện bởi tổn thương gai thị và thị trường. Một trong những yếu tố quan trọng của bệnh glôcôm là tăng nhãn áp. Theo PGS.TS Cung Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, glôcôm là bệnh nguy hiểm, là nguyên nhân gây mù hàng đầu tại Việt Nam và trên thế giới. Ở Việt Nam, theo thống kê năm 2015, chỉ tính riêng nhóm người trên 50 tuổi tỉ lệ mù lòa chiếm 1,8%, trong đó tỉ lệ bị mù 2 mắt do bệnh glôcôm chiếm tới 4% (ước tính trên 13.000 người), chưa kể số người mù 1 mắt do bệnh lý glôcôm. Tại Bình Định, tuy chưa có số liệu chính xác, nhưng số người phát hiện mắc glôcôm chiếm gần 10% tổng số bệnh nhân khám bệnh về mắt.

Theo Nguyễn Văn Trang

Báo Bình Định Online